Huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương là gì?
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Phạm Văn Hùng – Khoa Khám bệnh & Nội khoa – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Huyết áp là một trong những thông số đơn giản nhất để đánh giá tình trạng sức khỏe con người. Huyết áp cao hay thấp sẽ khiến chúng ta mệt mỏi, khó chịu thậm chí dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Chỉ số huyết áp gồm có hai thành phần là huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương. Trong đó, chỉ số huyết áp tâm thu thường nhận được sự quan tâm nhiều hơn cả.
1. Huyết áp tâm thu là gì?
Khi đo huyết áp, nhất là với máy điện tử, chúng ta thường thấy hiện lên hai chỉ số là huyết áp tối đa – hay còn gọi là huyết áp tâm thu, và huyết áp tối thiểu – hay còn gọi là huyết áp tâm trương. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ các chỉ số huyết áp này có ý nghĩa gì.
Huyết áp tâm thu là áp lực của máu lên động mạch khi tim co bóp. Con số này luôn được quan tâm hơn cả, vì thể hiện được khả năng bơm máu của tim cung cấp đến các cơ quan. Cụ thể, trong mỗi nhịp tim đập, một lượng máu được tống từ tim đi ra khỏi cơ thể, áp lực của lượng máu đó đặt trên thành động mạch gọi là huyết áp tâm thu.
Huyết áp tâm thu phụ thuộc vào sức co bóp của tim và thể tích máu mỗi nhịp bóp. Nếu tim co bóp càng mạnh hoặc lượng máu tống ra càng nhiều thì huyết áp tâm thu sẽ càng cao và ngược lại. Khi đo huyết áp bằng huyết áp kế bằng tay, tiếng tim đập đầu tiên nghe được khi xả bao hơi đánh dấu huyết áp tâm thu.
Tại thời điểm nghe được tiếng tim đập cuối cùng trước khi không còn nghe được nữa chính là huyết áp tâm trương. Đây là áp lực máu lên thành động mạch khi tim giãn ra và con số này thường ít được chú ý đến, do chỉ phản ánh khả năng đàn hồi của thành mạch mà yếu tố này thì khó có thể thay đổi được.
Sự chênh lệch huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương giữ một hiệu số nhất định để tạo nên áp lực tưới máu cho các cơ quan. Tuy nhiên, sự chênh lệch này không bao giờ được bằng hay dưới 20 mmHg. Nếu dưới con số này, bác sĩ sẽ nhận định đây là trường hợp huyết áp kẹp và sẽ tiến hành xử lý cấp cứu.
2. Chỉ số huyết áp tâm thu bình thường là bao nhiêu?
Các mức huyết áp tâm thu và tâm trương có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với việc hoạt động hiệu quả của các cơ quan sinh tồn như tim, não và thận cũng như đối với sức khỏe cơ thể nói chung. Đặc biệt ý nghĩa của huyết áp tâm thu chính là nền tảng tưới máu để các cơ quan hoạt động tốt.
Vậy huyết áp tâm thu bình thường là bao nhiêu? Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, mức huyết áp tâm thu bình thường là khi dao động từ 90 mmHg đến 140 mmHg.
Bác sĩ sẽ chẩn đoán chúng ta bị tăng huyết áp khi huyết áp tâm thu từ 140 mmHg trở lên và/hoặc huyết áp tâm trương từ 90 mmHg trở lên.
3. Rối loạn huyết áp tâm thu nguy hiểm thế nào?
Huyết áp tâm thu khi được giữ bình ổn là phản ánh thể tích tuần hoàn trong cơ thể được lưu thông ổn định, máu đều đặn được tim bơm đến cung cấp cho các cơ quan. Trong trường hợp huyết áp tâm thu đột ngột tăng cao hay hạ thấp bất thường đều khiến cho cơ thể khó chịu và đôi khi dẫn đến những bệnh lý nguy hiểm.
Đối với tăng huyết áp tâm thu đột ngột, người bệnh sẽ thấy đau đầu dữ dội, mỏi vai gáy, tim đập nhanh, nặng ngực, khó thở, mắt mờ… Đo huyết áp thấy chỉ số huyết áp tâm thu lên nhanh, có thể lên 200 mmHg hoặc hơn. Nếu không được can thiệp kịp thời, huyết áp tâm thu quá cao có thể làm tổn thương mạch máu trên não gây đột quỵ, tắc nghẽn mạch máu nuôi tim gây nhồi máu cơ tim hay suy hô hấp do phù phổi, suy thận cấp, vỡ bóc tách động mạch chủ và dễ dẫn đến tử vong.
Còn đối với huyết áp tâm thu hạ thấp đột ngột, bệnh nhân sẽ thấy mệt mỏi, suy nhược cơ thể, cảm giác choáng váng, hoa mắt, chóng mặt, hồi hộp, tim đập nhanh, nặng hơn có thể là lơ mơ, lú lẫn, ngất xỉu và mất ý thức. Điều này là do huyết áp tâm thu giảm đột ngột làm cho não và các cơ quan khác trong cơ thể không nhận được lượng máu cung cấp đủ oxy và các chất dinh dưỡng, có thể gây thiếu máu não và chết não, nguy hiểm đến tính mạng.
4. Kiểm soát huyết áp tâm thu như thế nào?
Chính vì tăng huyết áp hay hạ huyết áp đều ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì vậy, mỗi người cần phải biết cách giữ huyết áp luôn được ổn định. Người bệnh tăng huyết áp cần tuân thủ điều trị của bác sĩ, uống thuốc đều đặn hàng ngày và tái khám định kỳ theo hẹn. Song song với điều này, việc tích cực xây dựng một lối sống lành mạnh cũng vô cùng cần thiết.
Trong đó, chế độ ăn uống đóng vai trò vô cùng quan trọng. Khuyến khích ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ như gạo lứt, rau xanh, quả chín. Không nên ăn mỡ, nội tạng động vật, các loại sản phẩm chế biến sẵn và chứa nhiều muối như dưa cà muối, các món kho, rim, nước chấm mặn. Bỏ thuốc lá, hạn chế các loại đồ uống có cồn như bia, rượu.
Ngoài ra, người bệnh cũng nên tập thể dục thường xuyên, giữ cân nặng hợp lý sẽ giúp cho động mạch đàn hồi tốt, thậm chí ở những người lớn tuổi, giúp đảm bảo lưu lượng máu và huyết áp ở mức bình thường. Bên cạnh đó, nếu biết cách giải tỏa căng thẳng, thư giãn, ngồi thiền, tập yoga và có một giấc ngủ tốt cũng giúp hạ được huyết áp, giảm nguy cơ mắc bệnh tim và tử vong.
Riêng đối với người có huyết áp thấp, nên uống nhiều nước và ăn mặn hơn người bình thường cũng như nhiều chất dinh dưỡng, đủ bữa, đa dạng các loại vitamin. Người bệnh cũng nên sinh hoạt điều độ, ngủ đủ giấc, tránh làm việc quá sức hay thay đổi tư thế đột ngột. Khi nằm ngủ nên gối đầu thấp, gác chân cao.
Cuối cùng, một điều quan trọng cần lưu ý nhất là thường xuyên theo dõi huyết áp của chính mình và người thân, để biết được tình trạng sức khỏe và có cách can thiệp kịp thời, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Thạc sĩ, Bác sĩ Phạm Văn Hùng đã có 30 năm kinh nghiệm về khám và điều trị các bệnh lý nội khoa, đặc biệt về chuyên khoa Nội tim mạch: động mạch vành, suy tim, van tim, rối loạn nhịp tim…Thạc sĩ, Bác sĩ Hùng từng giữ chức Phó Trưởng khoa Nội Tim mạch và Trưởng Đơn vị Tim mạch Can thiệp tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng và hiện đang làm việc tại Khoa Khám bệnh và Nội khoa, Nội Tim mạch, Tim mạch Can thiệp tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
1. Huyết áp tâm trương cao
Huyết áp được xác định bằng hai chỉ số, thường được viết dưới dạng một tỷ số. Chỉ số thứ nhất (hay chỉ số trên) là huyết áp tâm thu, chỉ số thứ hai (hay chỉ số dưới) là huyết áp tâm trương. Huyết áp tâm trương là lực tác động của máu lên thành động mạch ở thì tâm trương (khi cơ tim được thả lỏng), đây là mức huyết áp thấp nhất trong mạch máu.
Có 3 loại tăng huyết áp: tăng huyết áp tâm thu, tăng huyết áp tâm trương và tăng huyết áp hỗn hợp. Tăng huyết áp tâm trương xảy ra khi số dưới cao, tăng huyết áp tâm trương được định nghĩa là áp suất tâm trương từ 90mmHg trở lên. Tăng huyết áp tâm trương đơn độc chủ yếu được gặp ở những người trẻ tuổi.
Ở hầu hết những người có tăng huyết áp tâm trương đơn độc, không có nguyên nhân cụ thể nào được xác định, còn được gọi là tăng huyết áp nguyên phát. Một số trường hợp, tăng huyết áp tâm trương đơn độc là thứ phát của một rối loạn khác như bệnh lý tuyến giáp, bệnh thận hoặc hội chứng ngưng thở khi ngủ.
Khi huyết áp tâm trương cao, mạch máu sẽ trở nên ít đàn hồi, cứng lại và xơ vữa. Huyết áp tâm trương bình thường thường dao động từ 60 – 80mmHg. Nếu huyết áp tâm trương của là 80 – 89 mmHg, cần chú ý đặc biệt vì bạn đã có tiền tăng huyết áp. Áp suất tâm trương thường thay đổi trong suốt cả ngày. Người bệnh nên kiểm tra huyết áp vài lần một ngày để có được con số trung bình. Các yếu tố gây ra sự dao động áp lực tâm trương bao gồm: sử dụng nicotine; mức độ căng thẳng và tập thể dục; tư thế…
2. Huyết áp tâm trương cao vì sao?
Những nguyên nhân làm cho huyết áp tâm trương cao:
- Tuổi và giới tính: Yếu tố nguy cơ hàng đầu là lớn tuổi cho cả nam giới và phụ nữ, chi phối đến 90% người bị tăng huyết áp. Nam trên 45 tuổi và phụ nữ trên 55 tuổi có nguy cơ mắc bệnh tăng tăng huyết áp cao hơn. Tuy nhiên, tăng huyết áp đang ngày càng trở nên phổ biến hơn ở thanh thiếu niên. Nam giới thường có nguy cơ cao hơn nữ giới.
- Tiền sử gia đình: Nếu có bố mẹ mắc bệnh tăng huyết áp, bạn cũng có thể có nguy cơ cao mắc bệnh này.
- Béo phì: 1/3 bệnh nhân tăng huyết áp có thừa cân. Người lớn thừa cân có nguy cơ cao bị tăng huyết áp tâm trương cao gấp đôi so với những người có trọng lượng bình thường. Trẻ em và thanh thiếu niên bị béo phì có nguy cơ bị tăng huyết áp khi chúng lớn lên.
- Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn: Đây là một tình trạng mà theo đó nhịp thở dừng lại nhiều lần trong khi ngủ. Hầu hết bệnh nhân tăng huyết áp đều có chứng ngưng thở khi ngủ.
- Lối sống: Hút thuốc, sử dụng nhiều rượu bia có nguy cơ tăng huyết áp tâm trương. Chế độ ăn kali thấp và ăn nhiều muối có thể làm tăng huyết áp tâm trương. Lối sống ít vận động có thể làm cho bạn trở nên thừa cân, dẫn đến bệnh tăng huyết áp. Sự căng thẳng, cả tinh thần lẫn thể xác, có thể làm tăng huyết áp tạm thời.
- Các rối loạn sức khỏe: Nhiều tình trạng sức khỏe liên quan đến tăng huyết áp và làm khó kiểm soát tăng huyết áp hơn. Bao gồm bệnh thận, đái tháo đường và các vấn đề nội tiết.
- Thuốc men: Nhiều loại thuốc có thể gây ra sự gia tăng huyết áp tạm thời hoặc làm cho tình trạng bệnh trở nên tồi tệ hơn. Các thuốc bao gồm: thuốc chống viêm không steroid như: naproxen, aspirin và ibuprofen; corticosteroid tiêm tĩnh mạch hoặc dùng đường uống; thuốc ngừa thai; thuốc giảm đau có chứa pseudoephedrine.
3. Triệu chứng của huyết áp tâm trương cao
Tăng huyết áp được biết đến với cái tên “Kẻ giết người thầm lặng” bởi những triệu chứng của bệnh thường thầm lặng và khó nhận biết.
Dưới đây là một số dấu hiệu cảnh báo bạn đang có huyết áp tâm trương cao:
- Chóng mặt
- Đau đầu
- Đổ mồ hôi đêm
- Khó ngủ
- Chảy máu mũi
- Đánh trống ngực
- Buồn nôn
- Nhìn mờ
Huyết áp tâm trương cao khác biệt với huyết áp tâm thu cao hoặc tăng huyết áp cả tâm thu lẫn tâm trương. Nó thường có thể được kiểm soát tốt với những thay đổi cá nhân và lối sống, mặc dù bác sĩ cũng có thể khuyên dùng thuốc.
4. Biến chứng của huyết áp tâm trương cao
Tăng huyết áp tâm trương đơn độc tự nó làm tăng khả năng biến chứng tim mạch nghiêm trọng. Một nghiên cứu đăng trên tạp chí chuyên ngành tăng huyết áp Journal of Hypertension lưu ý rằng, những người lớn có tăng huyết áp tâm trương đơn độc có nguy cơ biến chứng tim mạch cao gấp đôi, bao gồm nhồi máu cơ tim, đột quỵ hoặc hoặc tử vong do tim so với những người lớn có huyết áp bình thường.
5. Phòng ngừa tăng huyết áp tâm trương
- Kiểm tra huyết áp thường xuyên là biện pháp quan trọng nhất để phát hiện sớm bệnh tăng huyết áp tâm trương. Mọi người cần thường xuyên kiểm tra huyết áp thông qua khám sức khỏe định kỳ hoặc qua các lần đi khám tại các cơ sở y tế… Các máy đo huyết áp điện tử cá nhân là một công cụ hiệu quả giúp người đã mắc tăng huyết áp và người có nguy cơ mắc bệnh để thường xuyên kiểm tra tình trạng huyết áp của mình và của các thành viên trong gia đình.
- Chế độ ăn hợp lý: Giảm ăn mặn (dưới 5g muối/ngày); tăng cường ăn rau xanh, hoa quả tươi; hạn chế thức ăn có nhiều cholesterol và axit béo no; đảm bảo đủ kali và các yếu tố vi lượng.
- Duy trì cân nặng lý tưởng với chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 18,5 đến 22,9; cố gắng duy trì vòng bụng dưới 90cm ở nam và dưới 80cm ở nữ. Tích cực giảm cân (nếu quá cân).
- Hạn chế uống rượu, bia; ngừng hoàn toàn việc hút thuốc lá hoặc thuốc lào.
- Tăng cường hoạt động thể lực ở mức thích hợp: tập thể dục, đi bộ, đi xe đạp hoặc vận động ở mức độ vừa phải, đều đặn khoảng 30-60 phút mỗi ngày.
- Tránh lo âu, căng thẳng thần kinh; cần chú ý đến việc thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý; tránh bị lạnh đột ngột.
Người bị bệnh tăng huyết áp hỗn hợp hay tăng huyết áp tâm trương đơn độc đều cần được khám sàng lọc, phát hiện sớm. Bên cạnh áp dụng các biện pháp tích cực thay đổi lối sống như trên, bệnh nhân cần được theo dõi, quản lý bệnh lâu dài và điều trị theo hướng dẫn của thầy thuốc để giảm bớt các nguy cơ xảy ra biến chứng và để duy trì mức huyết áp hợp lý.
Trả lời